Sapa không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc mà ở đây còn có nền ẩm thực vô cùng độc đáo. Các món ăn mang nét đặc sắc từ cách chế biến cho đến nguyên liệu, phảng phất chút gì đó của núi rừng hùng vĩ. Hãy cùng Khách sạn Nghiêng Sapa khám phá những món ăn độc đáo nơi đây nhé.
1. Nem Măng Đắng
Một nét ẩm thực truyền thống của người Tày – Sapa nổi tiếng đó là nem măng đắng. Đặc trưng của nem măng đắng Sapa là vị đắng nhẹ từ măng, vị thơm ngọt của thịt gà, đầu hành và tiêu, và vị giòn tan của vỏ nem. Các nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng và chế biến cẩn thận để tạo ra món ăn hoàn hảo về hương vị và hình thức. Hương vị độc đáo và đặc trưng của món đặc sản Sapa này sẽ làm say đắm lòng biết bao du khách khi thưởng thức.
2. Thịt Lợn Muối Chua – Món Ăn Ngon Sapa Nhiều Người Thích
Trong lòng núi Sapa, một món ăn gợi nhớ về hương vị truyền thống và đậm đà chính là thịt lợn muối chua. Quy trình chế biến đơn giản nhưng tinh tế, thịt lợn tươi được luộc chín và ngâm trong hỗn hợp đặc biệt gồm rượu vang, muối và lá quế. Quá trình ngâm kéo dài từ 2 đến 3 tuần, tạo ra hương vị thịt lợn muối chua độc đáo.
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn, chua đặc trưng cùng độ dai giòn, chắc chắn của thịt lợn muối chua. Món ăn này thích hợp để ăn kèm với cơm hoặc dùng làm mồi nhậu đều “hết nước chấm” cả.
3. Rượu Ngô Sapa
Trong lòng mỗi quý khách, hẳn rượu ngô là một loại đặc sản Sapa không thể thiếu trong hành trang khám phá vùng đất này. Được chế biến theo phương pháp truyền thống, những hạt ngô nếp vàng ươm được chọn lựa kỹ càng để tạo nên những ly rượu đậm đà, thơm ngon và đặc biệt.
Vị ngọt tự nhiên của ngô, hòa quyện với mùi thơm hương trái cây và một chút hương cỏ mùa đồng cỏ Sapa tạo nên một hương vị độc đáo và đặc trưng cho rượu ngô Sapa. Không chỉ là một loại thức uống, rượu ngô còn mang trong mình giá trị văn hóa và truyền thống sâu sắc của người dân Sapa
4. Thắng Cố Sapa – Đặc Sản Sapa Cho Người Sành Ăn
Vi vu chợ tình hay chợ phiên, du khách dễ dàng tìm thấy một món đặc sản Sapa có cái tên khá lạ – thắng cố. Giải thích một cách đơn giản, thắng cố là món canh được làm từ thịt bò, thịt trâu, nội tạng ngựa, xương hầm, rau cải sống cùng nhiều gia vị đặc biệt – tương tự như các loại lẩu lòng bò, lẩu lòng lợn ở miền Nam Việt Nam. Đây thực chất là món ngon truyền thống của người H’Mông, du nhập từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và có tuổi đời gần 200 năm. Thắng cố thường được nấu trong chảo lớn, màu sậm, béo ngậy và có vị đắng thanh của nguyên liệu dịch lòng non ngựa – cực kỳ “hợp cạ” với thời tiết lạnh giá ở Sapa. Người dân địa phương thường nói vui rằng đã đi Sapa mà chưa thưởng thức thắng cố thì chưa được về.
5. Thịt Trâu Gác Bếp Sapa – Món Ăn Sapa Là “Mồi Bén”
Thịt trâu gác bếp không chỉ là đặc sản Sapa nổi tiếng mà còn được nhiều du khách mua về làm quà tặng bạn bè, người thân. Thịt trâu tươi sau khi tẩm ướp gia vị sẽ được xông bằng khói từ bếp củi cho đến khi lớp thịt bên ngoài khô hẳn và chuyển sang màu nâu đỏ sậm. Đây là đặc sản của đồng bào dân tộc Thái Đen, sở hữu vị mặn mà và hương hăng hắc đặc trưng đến từ nhiều loại gia vị. Mặc dù khá kén người ăn, thịt trâu gác bếp Sapa lại rất được lòng giới mộ điệu ẩm thực bởi vị ngọt thịt đậm đà, cực kỳ “hao rượu”. Món ngon Sapa này có giá từ 800.000đ/kg tuỳ loại.
Người ta thường hấp hoặc luộc chín thịt rồi ăn kèm nước chẳm chéo. Bạn cũng có thể nhúng thịt trâu gác bếp qua nước rồi đem nướng lại, xé nhỏ và vắt thêm một ít nước chanh tắc chua chua. Hương vị phải nói là đậm đà khó quên.
6. Thịt Lợn Cắp Nách Sapa
Thịt lợn cắp nách được làm từ giống lợn nuôi thả rông của đồng bào dân tộc Mông, vốn có kích thước khiêm tốn chỉ tầm 5kg đến 6kg mỗi con. Khi họp chợ phiên, người ta thường “cắp nách” lợn mang đi bán. Đó cũng là nguồn gốc của cái tên vừa lạ tai vừa đáng yêu này.
Nói về hương vị của món thịt lợn cắp nách Sapa thì chỉ có bốn chữ để hình dung: “nhỏ nhưng có vỏ”. Do thường xuyên được chạy nhảy vận động, thịt lợn dai mềm, săn chắc với phần thịt – mỡ xen kẽ, ngon nhất là khi được nướng trên than hồng đến khi lớp da chín vàng, giòn rụm. Được quay quần bên đống lửa, thưởng thức thịt lợn cắp nách và uống rượu táo mèo là thú vui đầy sảng khoái của người dân địa phương.
7. Cơm Lam Sapa
Nổi tiếng với hình ảnh các thửa ruộng bậc thanh xanh mơn mởn trải dài từ đèo cao, không quá bất ngờ khi cơm lam góp mặt trong danh sách đặc sản Sapa trứ danh. Cơm lam đơn giản là gạo được nướng chín trong ống nứa trên than hồng; trong lúc chế biến, ống nứa phải thường xuyên được xoay để cơm chín đều. Nhờ vào phương pháp đặc biệt này, hạt cơm hấp thụ được hết hương thơm từ tre nứa mà vẫn giữ được vị ngon ngọt vốn có. Cơm lam vừa dẻo vừa mềm ngay cả khi để nguội, ăn khá giống xôi. Bạn có thể ăn cơm lam với muối mè rang hay giò lụa, thịt nướng… đều ngon.
8. Cá hồi vân
Nếu cho rằng cá hồi là món ngon của riêng miền biển đảo thì bạn nhầm hơi bị to rồi đấy. Cá hồi Sapa còn được gọi là cá hồi vân hoặc cá hồi ráng, thường sống trong vùng nước đọng có nhiệt độ thấp.
Thịt cá hồi vân màu đỏ cam bắt mắt, từng thớ từng thịt săn chắc xếp đều tăm tắp, béo mềm nhưng không hề ngậy mùi mỡ. Bạn có thể ăn cá hồi vân theo kiểu sashimi (cá sống chấm mù tạt), trộn gỏi, nấu tiêu, nướng mọi… đều ngon. Một trong những món ngon Sapa được lòng du khách nhất – phải nhắc đến – là lẩu cá hồi. Thịt cá hồi tươi roi rói hoà quyện cùng nước dùng chua ngọt, nhúng lẩu cùng với đủ loại rau tươi Tây Bắc. Hương vị phải nói là “ăn một miếng mà vương vấn cả đời”.
9. Xôi Bảy Màu Sapa
Xôi bảy màu là món ngon Sapa truyền thống thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết hay mùng 1 tháng 7 âm lịch hằng năm. Bảy màu xôi: đỏ tươi, đỏ sẫm, nâu, tím, vàng, xanh cửu long và xanh lá đại diện cho bảy tháng liền kháng chiến trường kỳ của dân tộc Nùng Dín, nhằm tôn vinh chiến tích vẻ vang và tri ân những người anh hùng đã ngã xuống trong cuộc chiến chống quan xâm lược.
Gạo nấu xôi bảy màu phải là loại gạo nếp ngon, có hạt tròn, dài và mẩy. Tuy trông sặc sỡ nhưng màu sắc của xôi hoàn toàn được lấy từ nguyên liệu thiên nhiên như cây hoa vàng, lá xôi đũa, tro bếp, lá xôi hoa…. Nhờ vậy, mỗi màu xôi sẽ có hương thơm và vị ngon ngọt tự nhiên rất đặc trưng, dù bình dị nhưng chẳng bị mờ nhạt trong nền ẩm thực Sapa muôn màu muôn vẻ.
10. Rau Củ Tây Bắc
“Đã đi du lịch thì tội tình gì phải ăn rau?!” – đừng vội vàng kết luận để rồi bị thiệt thòi, #teamKlook nhé. Với lợi thế khí hậu quanh năm mát mẻ, Sapa là vùng đất hứa của vô số loại rau củ ôn đới như xà lách, súp lơ, cà rốt, su su, ngồng cải, ngồng tỏi, nấm hương, măng tây, măng rừng….
Rau củ ở đây chẳng những có kích cỡ lớn, chắc nịch, tươi ngon mà còn dồi dào chất dinh dưỡng. Dù dùng để nấu súp, nhúng lẩu, xào chay hay hầm thịt đều đủ đủ sức làm hài lòng ngay cả thực khách khó tính nhất. Bạn không cần phải lo ngại về việc lên cân vù vù sau chuyến đi chơi đâu. Rau củ Tây Bắc được bán tại hầu hết các khu chợ, nhà hàng hay quán ăn ở Sapa với giá cực kỳ “hạt dẻ”. Gọi ngay một đĩa cải mèo xào nấm hương chấm xì dầu thôi.
11. Cá Suối Nướng Sapa
Cá suối Sapa thường sống thành đàn, có kích thước nhỏ chỉ cỡ bàn tay hoặc cán dao. Bù lại, thịt cá tự nhiên ngon ngọt, săn chắc và không bị tanh. “Oanh tạc” bản đồ ẩm thực Sapa, sảng khoái nhất là được bắt và nướng cá ngay bên bờ suối. Hít hà không khí trong lành mát mẻ, lắng nghe tiếng nước chảy, ăn một miếng cá nướng đậm đà rồi làm ấm người bằng chút rượu San Lùng Tây Bắc. Quả thực là trải nghiệm tự do tự tại hiếm có trên đời. Nếu không có thời gian đi bắt cá, bạn có thể ăn cá suối tại các nhà hàng ở Sapa. Bên cạnh cá suối nướng thì cá suối chiên giòn cũng rất được lòng giới thực thần đấy.
(Sưu tầm)